Giới thiệu Phường Phú Xá

2020-11-05 14:43:00.0

Phường Phú Xá có diện tích tự nhiên là 4,27 km², Dân số gần 15.000 người, với trên 3.000 hộ dân, trong đó chiếm khoảng 90% dân số là cán bộ, công chức, viên chức và buôn bán kinh doanh, khoảng 10% số hộ làm nông nghiệp. Về hành chính, phường được chia làm 13 tổ dân phố.

Trước năm 1981, Phú Xá gồm có xóm Lưu Xá thuộc xã Cam Giá và xóm Phú Mỹ thuộc xã Gia Sàng. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng đã tiến hành nhiều đợt phân chia lại các đơn vị hành chính của tỉnh Thái Nguyên. Tháng 10 - 1892, sau khi đánh chiếm và bình định xong Thái Nguyên, thực dân Pháp đã lập lại tỉnh dân sự Thái Nguyên, gồm 3 phủ: Phú Bình, Tòng Hóa và Thông Hóa. Năm 1900, thực dân Pháp lại tách Thái Nguyên thành 2 tỉnh là Thái Nguyên (phần đất phía Nam) và Bắc Kạn (phần đất phía Bắc). Khi đó, vùng đất Gia Sàng và Cam Giá thuộc tổng Túc Duyên, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công đến giữa năm 1947, xã Gia Sàng được sáp nhập vào xã Hiệp Hòa, còn Cam Giá vẫn là một xã thuộc huyện Đồng Hỷ. Đến năm 1953, xã Hiệp Hòa giải thể, xã Gia Sàng trở thành một đơn vị hành chính thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Khi đó, xóm Lưu Xá và Phú Mĩ cũng thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Theo Quyết định số 114/CP, ngày 19 - 10 - 1962 của Phủ Thủ tướng về việc phân chia địa giới hành chính tỉnh Thái Nguyên, thị xã Thái Nguyên trở thành thành phố Thái Nguyên, thuộc tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên hơn 100 km2 và dân số khoảng 60.000 người. Cùng thời điểm này, địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên cũng được điều chỉnh: 6 xã của huyện Đồng Hỷ, trong đó có Gia Sàng và Cam Giá được giao về thành phố Thái Nguyên. Khi đó, Phú Mỹ và Lưu Xá được tổ chức thành 6 khối, từ khối 32 đến khối 37, trực thuộc Ban Cán sự khu Nam thành phố Thái Nguyên.

Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường khả năng quốc phòng, ngày 21- 4-1965, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái. Thành phố Thái Nguyên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Thái. Phú Xá thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Bắc Thái.

Thực hiện quyết định số 276/TC - UB, ngày 05-9-1981 của UBND tỉnh Bắc Thái, ngày 06-3-1981, phường Phú Xá chính thức được thành lập từ 2 đơn vị dân cư cũ gồm: Xóm Phú Mỹ (thuộc xã Gia Sàng) và xóm Lưu Xá (thuộc xã Cam Giá).

Ngày 5-8-1986, theo Thông báo số 53/TB-UB của Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, địa giới hành chính phường Phú Xá được quy định như sau: Phía Đông: Giáp phường Cam Giá, từ cầu Lưu Xá theo đường Cách mạng Tháng Tám lên đến đầu cầu Loàng cũ (mặt đường và cầu Loàng do phường Phú Xá quản lí); phía Tây: Giáp xã Tích Lương[1], từ cống Hào Thọ theo Quốc lộ 3 lên đến cống qua đường của suối Loàng; phía Nam giáp phường Trung Thành, lấy ngòi Na Lánh làm chỉ giới; phía Bắc giáp phường Gia Sàng và phường Tân Thịnh, lấy suối Loàng làm chỉ giới.

Sinh sống trên địa bàn Phú Xá có 6 dân tộc anh em, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Mường. Trong đó, người Kinh chiếm trên 90% dân số của phường, còn lại là các thành phần dân tộc khác. Thành phần dân cư này do nhiều bộ phận hợp thành: Một bộ phận là dân bản địa; một bộ phận khác là những dân phu được tuyển mộ vào làm trong những đồn điền thời Pháp thuộc ở Thái Nguyên; đông đảo hơn cả là dân từ các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình... tản cư trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hoặc lên xây dựng miền núi theo chủ trương của Đảng sau hòa bình lập lại, những năm 1960; một bộ phận là dân công, thanh niên xung phong, bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chuyển ngành làm công nhân xây dựng Khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên và ở lại lập nghiệp từ cuối thập niên 50 - đầu thập niên 60 của thế kỉ XX. Những bộ phận dân cư với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, đến sinh sống trên địa bàn Phú Xá vào những thời điểm khác nhau, nhưng đã nhanh chóng hòa nhập với nhau và trở thành cộng đồng dân cư chủ thể của Phú Xá.

Phú Xá có vị trí thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội do nằm giữa hai trục đường chính của tỉnh: Chạy dọc phía đông là đường Cách mạng Tháng Tám (quốc lộ 37), đây là tuyến đường phố dài nhất của thành phố Thái Nguyên, nối từ trung tâm thành phố đến trung tâm Khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên; Chạy dọc phía Tây là đường 3 - 2 (Quốc lộ 3), trục giao thông quan trọng nối Thủ đô Hà Nội với Thái Nguyên và các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng. Vị trí địa lí thuận lợi đã giúp cho nhân dân Phú Xá có thể đi lại, giao thương thuận lợi trong nội tỉnh, với các phường và các xã, huyện của tỉnh; đồng thời cũng dễ dàng đi lại, giao thương với các tỉnh phía Bắc và các tỉnh đồng bằng như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…Ngoài ra, trên địa bàn phường còn có tuyến đường Phú Xá. Đây là trục giao thông chính của phường, nối phía Đông là đường Cách mạng Tháng Tám với phía Tây là đường 3 - 2. Chạy qua địa bàn Phú Xá còn có tuyến đường sắt Hà Nội - Lưu Xá - Quán Triều. Nhà ga Lưu Xá nằm ở phía Bắc của phường, thuận lợi cho việc đi lại bằng phương tiện xe lửa của nhân dân Phú Xá và cả nước.

Địa bàn Phú Xá nằm trong vùng địa hình thấp của tỉnh Thái Nguyên. Đây là vùng có khí hậu nóng, với nhiệt độ trung bình năm trên 230C. Mùa lạnh diễn ra từ tháng 11 đến tháng 3, trong đó từ tháng 12 đến tháng 2, nhiệt độ trung bình dưới 180C, đặc biệt lạnh nhất vào tháng 1 hàng năm, với nhiệt độ thường dưới 150C. Mùa nóng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, trong đó từ tháng 5 đến tháng 9, nhiệt độ trung bình vượt quá 25 0C. Mùa nóng ở nơi đây thường dài hơn những huyện miền núi trong tỉnh.Chế độ mưa được phân thành hai mùa rõ rệt;  mùa mưa  nhiều kéo dài 7 tháng, chiếm 85 - 95% lượng mưa trung bình cả năm; mùa ít mưa trùng với mùa lạnh, từ tháng 11 đến tháng 3, lượng mưa trung bình khoảng từ 200 - 400 mm, chiếm 10 - 15% lượng mưa cả năm.

Đặc điểm địa hình, khí hậu đã tạo nên những loại đất khác nhau ở Phú Xá. Chiếm phần lớn đất đai là loại đất Feralit đỏ vàng, với đặc điểm thích hợp trồng các loại cây ăn quả và cây công nghiệp. Ngoài ra, còn có các loại đất như: đất 2 lúa, đất đầm lầy và đất ruộng lúa. Riêng đất ruộng lúa mang đặc điểm là có tầng canh tác dày từ 20 - 30 cm, dưới tầng canh tác là tầng dế cày gồm những hạt sét mịn, có tác dụng không cho nước ngấm xuống sâu, vì thế rất thích hợp cho canh tác.

Yếu tố địa hình, đất đai, khí hậu đã góp phần sự phát triển các ngành kinh tế của địa phương. Kinh tế nông nghiệp chủ yếu trồng các loại cây lương thực như lúa, sắn, khoai, ngô. Ngoài ra, nhân dân còn trồng một số loại cây công nghiệp như chè, lạc, đậu tương; các loại cây ăn quả như: chuối, mít, táo, bưởi, cam, chanh, dứa, na... Ngoài trồng trọt, nhân dân Phú Xá còn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, như lợn, gà, vịt, trâu, bò…Không chỉ có các hộ nông nghiệp mà còn có cả nhiều gia đình công nhân, viên chức, đã tận dụng thời gian rỗi chăn nuôi để tăng thu nhập cho gia đình.

Kinh tế thủ công nghiệp của phường cũng phát triển khá mạnh. Nhiều tiểu thủ công nghiệp hình thành trên địa bàn phường như: Đúc gang, luyện thép, gò hàn, làm khung nhôm, cửa kính…Các loại hình dịch vụ cũng rất đa dạng như: Thu mua phế liệu kim loại, xay sát, sửa chữa cơ khí, cắt tóc …Sự hình thành và phát triển các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đã làm cho cơ cấu kinh tế của phường Phú Xá thêm phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao mức sống của người dân trong phường. 

Trên địa bàn Phú Xá có một số cơ quan, nhà máy, xí nghiệp như: Xí nghiệp Bê Tông xây dựng, Nhà máy xi măng Lưu Xá, Công ty may Chiến thắng, Xí nghiệp Vận tải Gang Thép, Xí nghiệp Năng Lượng Gang thép, Công ty quản lý đường sắt Hà Thái; Do đó, hình thành các khu tập thể của cán bộ công nhân các nhà máy như: khu tập thể Xí nghiệp vận tải Đường sắt (thuộc Công ty Gang Thép Thái Nguyên), khu tập thể Xí nghiệp Bê Tông xây dựng, khu tập thể Xí nghiệp Xe máy, khu tập thể của Công Kim loại màu...Những cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, khu tập thể này góp phần không nhỏ đến sự phát triển  kinh tế - xã hội của Phú Xá, góp phần tạo nên nét riêng có của Phú Xá. Một số lượng không nhỏ dân số của Phú Xá chính là cán bộ, công nhân viên chức của các cơ quan nhà máy, xí nghiệp này, nhất là các nhà máy xí nghiệp của Công ty Gang thép Thái Nguyên.

          Từ ngày thành lập phường đến nay, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Phú Xá ngày càng phát triển. Hiện Phú Xá có 1 trường Tiểu học, 1 trường Trung học cơ sở, 4 trường mầm non công lập và 1 trường mầm non tư thục. Chất lượng dạy và học ngày một nâng lên, hàng năm các trường đều đạt và giữ vững danh hiệu trường tiên tiến cấp thành, cấp tỉnh. Năm 2009, Trường Tiểu học Phú Xá được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II đầu tiên của tỉnh. Năm 2010, Trường Mầm non Hoa Hồng được công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II đầu tiên của thành phố Thái Nguyên; Năm 2011, Trường Trung học cơ sở Phú Xá được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Trường Mầm non Hoa Mai đạt chuẩn quốc gia mức độ I.

Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân phường Phú Xá cũng rất đa dạng phong phú. Là cộng đồng dân cư có nhiều nguồn gốc, đến sinh sống lập nghiệp tại quê hương Phú Xá, mang theo những bản sắc văn hóa khác nhau. Ở đây, có những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc ít người khu vực miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu; có những đặc trưng văn hóa của người Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ - chiếc nôi của nền văn minh lúa nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, những bản sắc văn hóa khác nhau đó đã hòa nhập làm một, tạo ra sự thống nhất mà đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư Phú Xá. Sự thống nhất đó được biểu hiện rõ trong việc cùng nhau vui mừng kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của dân tộc như: Ngày kỷ niệm thành lập Đảng 3-2, ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5, ngày thương binh liệt sĩ 27-7, Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2-9, ngày đại đoàn kết toàn dân tộc 18-11, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12... với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức như văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian như kéo co, đá cầu...; hay cùng nhau tổ chức lễ nghi truyền thống trong các ngày lễ dân gian như: Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, rằm tháng Bảy…, với những hình thức thờ cúng tổ tiên, đi lễ chùa …

Yếu tố địa vực và mối quan hệ láng giềng chính là cơ sở tạo nên sự gắn kết của cộng đồng dân cư Phú Xá, tạo ra sự thống nhất cao đồng lòng của nhân dân Phú Xá. Đây là cơ sở quan trọng và điều kiện tiên quyết đưa Phú Xá phát triển ngày một văn minh, giàu đẹp.



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 104907

PHƯỜNG PHÚ XÁ - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Tổ 6, phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Văn Hào - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Phú Xá. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 0208. 3847149
  • phuxa.tp@thainguyen.gov.vn