Châu Á trước nỗi lo thiên tai nặng nề

2020-10-30 08:13:00.0

 

Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cho biết, thế giới đã và đang đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng trong 20 năm qua và châu Á là khu vực bị tác động nặng nề nhất.

"Nếu dịch COVID-19 rất đáng sợ thì sự khẩn cấp của biến đổi khí hậu còn nghiêm trọng hơn nữa. Chúng ta có thể tự cô lập để bảo vệ mình khỏi đại dịch COVID-19 bằng cách này hay cách khác, nhưng chúng ta không thể tự cô lập mình khỏi những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra", bà Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai, nhận định.

Biến đổi khí hậu đã và đang tạo ra đổi thay nhất định tới đợt gió mùa của châu Á, làm mưa xảy ra nhiều và tập trung hơn, khiến hàng chục triệu người tại châu lục phải đối mặt với các trận lũ lớn, kéo theo thiệt hại kinh tế nặng nề.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI), số lượng các trận mưa lớn có thể tăng gấp 3-4 lần vào năm 2050 ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia... Tình trạng lũ lụt gia tăng có thể gây thiệt hại 1.200 tỷ USD, tương đương 8-13% GDP ở châu Á. Con số này chiếm tỷ lệ 75% trong tổng thiệt hại toàn cầu.

Còn tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD, tương đương 0,5% GDP và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển...

Nỗi lo biến đổi khí hậu

Nghiên cứu của MGI được công bố hồi tháng Tám cho thấy, các quốc gia đang nổi lên ở châu Á (gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) được dự báo sẽ chứng kiến nhiệt độ và độ ẩm gia tăng.

Chỉ riêng ở Trung Quốc, 2,7 triệu người đã phải sơ tán và ước tính khoảng 63 triệu người bị ảnh hưởng vì lũ lụt trong năm 2020. Tổng cộng 53 con sông tại đây đang đạt hoặc gần đạt mực nước cao lịch sử, sức chứa của các con đập ở lưu vực sông Dương Tử đang quá tải và gây ra đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở miền Nam Trung Quốc trong nửa thế kỷ qua.

Nhật Bản, quốc gia không còn xa lạ với thiên tai, cũng chứng kiến hình thái thời tiết ngày càng nguy hiểm. Lượng mưa kỷ lục ở tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu khiến ít nhất 65 người thiệt mạng hồi tháng 7. Nhiều nơi thuộc tỉnh Chiba, phía đông Tokyo, vẫn lao đao vì siêu bão Faxai hồi tháng 9 năm ngoái, khi nó tàn phá hơn 70.000 ngôi nhà, làm mất điện nhiều ngày, ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người.

Tình hình hiện nay cho thấy điều được dự báo từ rất lâu tại châu lục đông dân nhất thế giới dường như dần trở thành hiện thực. "Có một sự nhất quán trong những mô hình dự báo rằng biến đổi khí hậu ở châu Á sẽ dẫn đến lũ lụt nhiều hơn và những mùa mưa dữ dội hơn", Homero Paltan Lopez, chuyên gia thủy lợi tại Đại học Oxford, Anh, cho biết.

Theo tờ Nikkei Asian Review, châu Á chiếm phần lớn tổng lượng khí thải carbon toàn cầu và tỷ lệ đang ngày càng gia tăng. Trên thực tế, các nhà khoa học cho rằng, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của châu Á trong nhiều thập kỷ qua tuy tích cực, nhưng đã khiến các loại khí nhà kính bị thải ra không khí liên tục, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu.

"Tới năm 2050, 75% lượng vốn toàn cầu bị đe dọa bởi lũ lụt sẽ nằm ở châu Á. Tiểu lục địa Ấn Độ và các vùng lãnh thổ ven biển Đông Nam Á sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất", Ruslan Fakhrutdinov, chuyên gia cộng tác với MGI, cho biết hồi tháng 8.

Một nghiên cứu hồi tháng 7 trên tạp chí Scientific Reports chỉ ra rằng trong khi nguy cơ lũ lụt đang gia tăng trên toàn cầu, mật độ dân số châu Á, kết hợp với yếu tố các cộng đồng thường tập trung ven bờ, đồng nghĩa với việc phần lớn dân số thế giới khả năng cao chịu rủi ro vì lũ trong 80 năm tới sẽ tập trung ở châu lục này.

Những dữ liệu khác cũng phác họa bức tranh tương tự. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications năm ngoái ước tính đến năm 2050, số người từng sống tại những nơi hứng lũ do biến đổi khí hậu sẽ là 300 triệu, với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.

Câu hỏi được đặt ra là liệu các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, như những con đập, có phải giải pháp hay không. Một số trận lũ lụt dữ dội đã xảy ra trên lưu vực sông Dương Tử, nơi sở hữu những cơ sở hạ tầng trị thủy quy mô lớn hàng đầu thế giới, bao gồm đập Tam Hiệp. Chuyên gia Lopez cho biết việc lũ hoành hành tại nơi mà Trung Quốc dồn nỗ lực kiểm soát ngập lụt suốt nhiều thập kỷ là một "bất ngờ".

Do đó, Abhas K Jha, chuyên gia thuộc chương trình quản lý rủi ro đô thị và thiên tai ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, đề xuất chuyển từ cái mà ông gọi là "cơ sở hạ tầng xám", bao gồm các đập, kênh và công trình trị thủy quy mô lớn khác, sang những "cơ sở hạ tầng xanh", có nghĩa là tập trung vào việc tăng khả năng chứa nước của các thành phố thông qua cảnh quan, đồng thời khôi phục những hệ thống sinh thái như đồng bằng ngập nước, đầm lầy và rừng ngập mặn.

An Bình
baochinhphu.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 105709

PHƯỜNG PHÚ XÁ - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Tổ 6, phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Văn Hào - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Phú Xá. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 0208. 3847149
  • phuxa.tp@thainguyen.gov.vn